Lớp Phật Pháp Căn Bản 39 Thứ Sáu, ngày 25/10/2024 Lý Ngọc Nga ghi chép bài Sư Giác Nguyên giảng. 🌸 NGHIỆP & CÁC CÕI TÁI SINH Sáng nay chúng ta trở lại một loạt chủ đề cũ, mà chúng tôi muốn có một bài giảng có nội dung là tổng ôn tập lại, ngắn thôi, mà cũng ôn tập lại cho những người sơ cơ. Đó là chúng ta cùng nói với nhau về cái gọi là thiện nghiệp, ác nghiệp tức là Phước và Tội, Cảnh Giới Tái Sinh, vấn đề Tái Sinh, vấn đề Luân Hồi, và vấn đề Thiền Định. Tức là: - Tội phước, - Nghiệp báo, - Tái sinh, - Thiền Định. Cũng như các cảnh giới gom gọn có mấy chục phút thôi. Sở dĩ nó ngắn là bởi vì chúng ta đã học rồi, chỉ ôn lại thôi. Nó như thế này. Trong vô lượng kiếp luân hồi, chính Đức Phật cũng đã xác định rằng trong vô lượng kiếp luân hồi, nó xa, nó lâu, nó dài lắm, mình không cần thiết phải xác định là con gà nó có trước cái trứng, hay là cái trứng có trước con gà. Mà mình chỉ cần biết là muốn có trứng, thì phải có con gà. Muốn có con gà, thì phải có cái trứng. Khi các điều kiện mà nó hội đủ, thì con gà nó sẽ tạo ra cái trứng, và cái trứng nó sẽ nở ra con gà. Cái đó là cái quan trọng. Mình cần gà phải làm sao? Mình cần trứng phải làm sao? Chỉ vậy thôi. Còn chuyện mình xác định cái nào có trước thì cái đó không cần thiết. Không cần thiết. Chuyện nó như thế này, do tập khí sinh tử thói quen nhiều đời, do sức hút của phiền não, mỗi người trong chúng ta ngày nào mà chưa có hiểu được nguyên tắc hay là công thức Tứ Diệu Đế, thì cho đến ngày đó chúng ta vẫn tiếp tục loay hoay trong vòng tròn sinh tử. Loay hoay bằng cách nào? Đã nói dòng luân hồi nó dài lắm, về thời gian không thể nói điểm bắt đầu, còn nói về mô hình, cấu trúc của nó là một vòng tròn, cho nên bắt đầu từ điểm nào cũng được. Bắt đầu từ điểm nào cũng được. Thì thôi mình chọn một điểm như trong kinh đi. Tức là trong tiền kiếp trước kiếp này, do niềm đam mê thích thú hưởng thụ ở trong sáu Trần thông qua sáu Căn, cho nên sáu Ái nó thành ra là sáu Ái, mà chính sáu Ái của đời trước, sáu Ái này là sáu niềm đam mê. Đấy. Lục Ái. Sáu niềm đam mê ở trong những gì mình thấy, nghe, ngửi, nếm, đụng, và suy tư. Thì với nền tảng của sáu Căn, chúng ta tiếp xúc sáu Trần, và từ đó chúng ta có sáu Ái. Đấy. Và từ sáu Ái này nó mới dẫn mình đi các cảnh giới tương ứng, tương ứng là sao? Có người thì khi mình tiếp xúc sáu Trần, có người và có lúc chứ không có tuyệt đối, khi mà tiếp xúc sáu Trần mình thấy ra những khía cạnh bất mãn, những khía cạnh tiêu cực, thế là mình tạo nghiệp sanh. Còn có lúc chúng ta tiếp xúc sáu Trần chúng ta là tìm ra ở đó những khía cạnh ngọt ngào để mà mình thích? thì đó gọi là Tham. Đấy. Và từ đó nó mới hình thành ra ý niệm là trốn khổ tìm vui, thích sướng và sợ khổ. Ừ. Do thích sướng, sợ khổ mà trốn khổ, tìm vui, cho nên chúng ta có các hướng hành động, mà mấy hướng hành động nó ở đâu nó ra? Nó là do tiền nghiệp của kiếp trước, trước, trước đó nữa, khuynh hướng tâm lý và môi trường sống. Cho nên chính ba cái này nó cộng lại đó, khi mà mình sáu Căn mà tiếp xúc với sáu Trần, mình mới có cái khuynh hướng tâm lý mình phản ứng ra sao? Có người thì trước Trần Cảnh họ thấy vui, thấy thích, có người họ thấy bất mãn, mà nó khổ một chỗ đó là cả cái thích và cái bất mãn này nè, cái thích và cái ghét này nè, nó lại là nền tảng để tạo ra các Nghiệp khác cho kiếp sau. Có nghĩa là chính hoạt động của sáu Căn đời trước nó làm nền tảng để tạo ra 6 Căn đời sau, và cứ vậy, mọi hiện hữu của chúng ta nó chỉ là sự hiện hữu của sáu Căn, sáu Trần, và tất cả đời sống hoạt động của chúng ta chỉ là hoạt động của sáu Căn, sáu Trần. Còn chuyện mà nó hoạt động ra sao thì hồi nãy chúng tôi có nói rồi, là do tiền nghiệp, khuynh hướng tâm lý, và môi trường sống, nó khiến cho mình có cái hoạt động như thế nào trước sáu Trần. Có người thì họ đi ngang một gốc cây khô thì chỉ nghĩ đến chuyện, (một) là họ làm lơ, (một) là họ làm lơ bởi vì đi ngang gốc cây khô có gì đâu nhìn? Nhưng có người họ nhìn gốc cây khô họ nghĩ đến chuyện là nhặt nó về để mà làm củi nấu trong bếp, hoặc là để sưởi mùa đông, hoặc là nó có trăm ngàn chuyện khác, nhặt nó về để mà đốt, đốt để làm chuyện gì đó, đốt lò gạch hay là đốt nhà bếp...V.v.. đốt để sưởi ấm. Nhưng mà có người nhìn gốc cây khô đó họ nghĩ đến mấy chậu bonsai họ đem về họ ghép, họ tháp, rồi có người họ nhìn gốc cây khô đó nghĩ đến chuyện chụp hình, có những gốc cây khô dáng nó rất là đẹp, họ chỉ nghĩ tới chuyện chụp hình thôi, quý vị thấy không? Chỉ là một gốc cây khô mà có người muốn chụp hình, có người đem đi đốt, có người thì muốn đem nó về để mà chơi cây kiểng. Chỉ gốc cây khô thôi, cái phản ứng mình, còn có người nhìn gốc cây khô họ bực, họ bực là tại sao mà họ thấy nó xù xì, sần sùi, xấu xí? phải không? Họ nhìn nó họ bực là tại sao mà không ai dẹp để ở đây rồi đi xe cộ ngang nó vướng, nó cọ, nó quẹt trầy xước xe của người ta. Thì dĩ nhiên có nhiều khi gốc cây nó vô chủ, nhưng mình nhìn cũng bực. Khi mà mình chạy xe mới, xe tốt, xe đắt tiền, đi ngang thấy gốc cây mình bực, mà khi gặp nó mình khó chịu, mình gặp nó là mình khó chịu là bởi vì mình cứ sợ nó quẹt cọ vô xe, hoặc nó cọ quẹt vô chân của mình. Cho nên mình thấy chỉ là gốc cây thôi mà có người thì bất mãn, có người thì thích thú, mà trong số người thích thú đó nó lại có nhiều trường hợp thích thú là vì nghĩ đến chuyện đem về đốt, có người thích thú là vì đem về để mà chơi cây cảnh. Đấy. Thí dụ còn có người họ muốn tha nguyên gốc về để mà cho nó tự mục làm phân hữu cơ. Đấy. Mình thấy rõ ràng như vậy, thì chính vì cái phản ứng tâm lý của mình trước sáu Trần cho nên mình mới tạo ra các Nghiệp. Có người thì nhìn trăng họ muốn ngồi thiền, muốn đi thiền hành, thiền tọa. Có người nhìn trăng thì họ lại muốn uống trà, ngâm thơ, thưởng hoa, hoa quỳnh. Có người thì nhìn trăng để mà tưởng tiếc, để mà nhớ thương, để mà hoài niệm, để mà hồi ức về một cái gì đó, về một dĩ vãng, một quá khứ, một kỷ niệm. Thì cái này chỉ trình bày vậy thôi, chứ còn tùy cái phản ứng của quý vị, chúng tôi đâu có can thiệp cho các vị trở nên tốt hơn được, phải không? Nhưng mà chính vì mấy cái phản ứng này nè, nó từ cái thiện, cái thói quen thiện và ác quá khứ, cộng với khuynh hướng tâm lý và môi trường sống, mà chúng ta tạo ra các nghiệp thiện hay là bất thiện. Đấy. Là chúng ta đang nói về Thiện-nghiệp đó. Nhưng mà chính thì từ cái chỗ Thiện-nghiệp, Ác-nghiệp này nó mới dẫn mình về một cảnh giới nào đó? ở cảnh giới đó, lúc bây giờ nó trở thành một nền tảng mới rồi, nền tảng cũ tôi gọi là "A1". - Nền tảng cũ là "A1". Chúng ta thích ngắm trăng nè, chúng ta thích gốc cây khô nè, nhưng mà trong cái chuyện thích và ghét gốc cây đó, thích và ghét vầng trăng đó, thích và ghét gió lạnh đêm khuya, đấy, chính vì 3 cái đó, nó mới dẫn đến cái chuyện chúng ta hành động không giống nhau. Từ chỗ hành động không giống nhau nó mới đưa mình về một cảnh giới nào đó, ở nền tảng cảnh giới đó đó, chúng ta lại tạo các Nghiệp mới nữa trên một nền tảng mới, rất mới. Thí dụ như kiếp xưa chúng ta tạo một Nghiệp gì đó bây giờ mình, kiếp xưa là con người nha, kiếp xưa là con người mình tạo Nghiệp gì đó bây giờ mình sanh làm một con vật, mà khi đã là con vật thì cái thích và cái ghét chúng ta nó lại khác hẳn với kiếp xưa, và trong hình hài của con vật chúng ta tiếp tục tạo các Nghiệp mới, cho những hình hài mới, cho một thân phận mới, cho một kiếp đời mới, cứ như vậy, cứ như vậy, cứ lặp đi lặp lại, cứ lặp đi lặp lại như vậy. Phản ứng của mình trước sáu Trần, trên cái nền tảng của tiền nghiệp và khuynh hướng tâm lý và môi trường sống nó thành ra một kiểu phản ứng khác nhau. Và phản ứng đó nó dẫn đến các Tâm Đầu Thai và Cảnh Giới Tái Sinh. Xong chưa? Và Cảnh Giới Tái Sinh này nó lại tiếp tục là nền tảng cho những nghiệp thiện, ác mới, có những cảnh giới muốn hành thiện rất khó, rất khó, khó lắm luôn. Có những cảnh giới mình còn có cơ hội hành thiện, những cảnh giới hành thiện rất là khó. Thí dụ như bây giờ mình làm con giun, con dế đó, thì hỏi hành thiện, hành thiện kiểu gì? Mình làm mấy cái loài mà ở trong cống rảnh, rác rến, thì hỏi chứ hành thiện, hành thiện kiểu gì? Những loài mà sống ở trong điều kiện yếm quang, yếm khí, thiếu ánh sáng, thiếu dưỡng khí, tăm tăm, mù mù vậy đó, trong đất sâu, trong kẻ đá, trong khe núi như vậy đó, thì hỏi chứ hành thiện với ai? Nó khổ vậy đó. Rồi ngay cả khi do một thiện nghiệp nào đó mà chúng ta sinh ra được mang thân người trong một môi trường gia đình, xã hội rất là Ok, giàu sang, đẹp đẽ, giỏi giắng, nhưng mà sao? Ở đó không có Minh Sư, thiện hữu là mình cũng mệt lắm. Nói nó hơi nặng nha. Trong điều kiện đó mà không có Minh Sư, thiện hữu mà chỉ là con chó nhà giàu thôi, chỉ là con chuột bạch được nuôi ở trong lồng son thôi, chứ còn cái đầu cổ nó trớt quớt. Nếu mà không biết thiện ác. Phải không? Nghe cho kỹ chỗ này. Nếu không biết thiện ác thì cái chuyện mà mình sanh vô trong một cảnh giới, trong một điều kiện mà tiện nghi sung sướng, phải không? Sang, sạch, đẹp, thì mình chỉ là con chuột bạch được nuôi trong lồng son thôi. Chỉ là một con chó nhà giàu, một con mèo nhà giàu thôi, khổ vậy. Khổ lắm luôn. Lấy mắt nhìn thì thấy mình thượng lưu, quý tộc, mình sang cả, phải không? Mình giàu, sang, sướng, sạch, đẹp, giỏi, đúng không? Tiếng tăm, quyền lực, uy tín, đúng không? Nhưng mà đó là cái cách nhìn của thế gian. Cái cách nhìn trong Phật Pháp thì giá trị của một con người, và lộ trình của một con người, giá trị hiện tại và lộ trình tương lai của một con người, hoàn toàn nằm ở cái phản ứng tâm lý Thiện và Ác trước Trần Cảnh. Cái đó mới là cái giá trị thật sự của một con người. Và cái lộ trình, cái chốn về tương lai của một con người nó nằm ngay cái chỗ mà phản ứng trước Trần Cảnh thiện hay là bất thiện. Đấy. Trong hoàn cảnh đó có kham nhẫn, có chịu đựng, có bao dung, tha thứ, yêu thương, có bố thí, có phục vụ, có giữ giới, có nghe Pháp, có ngồi thiền hay không? Nếu mà không có mấy cái này nè, thì cái giàu kia nó chỉ khiến cho mình làm thành một con chuột bạch trong lòng son thôi. Nó dễ sợ như vậy. Và có chuyện này mới ghê nè, hễ mà mình còn đánh vật với các Trần Cảnh vật chất, còn thích nghe, ngửi, nếm, đụng, phải không? Thì như vậy mình đang tiếp tục gieo duyên cho cảnh giới vật chất, tức là cảnh Dục Giới đó. Mà cảnh Dục Giới thì nó là muôn phần mạo hiểm, Risk. Tại sao vậy? Tại vì chỉ có trong cảnh Dục Giới đó, Dục Giới nghĩa là các cảnh giới, nói chung những cảnh giới mà còn sống chết, buồn vui, ở trong cảnh vật chất, thì gọi chung là Dục Giới. Mà tại sao nó là muôn phần mạo hiểm? Là bởi vì chỉ có trong cảnh giới này nè, người ta mới sướng và khổ trên những điều kiện và nền tảng vật chất. Mà những cái đó thì nó rất là mong manh. Thứ hai, chỉ có trong thế giới cõi Dục thì người ta mới có thể tạo ra các Ác-nghiệp như là sát sanh, trộm cướp, hại người, hại vật, chỉ có trong cõi Dục Giới người ta mới có khả năng làm việc đó. Mà nó khổ thay, số người mà đã dính vào trong thế giới vật chất mà biết chán sợ để mà vùng thoát, cực hiếm. Hiếm lắm luôn. Kể cả những người biết Phật Pháp, kể cả Thiền Sư, kể cả hành giả, kể cả Thiền Sư, kể cả hành giả Thiền Chỉ và Thiền Quán nói chung, biết Phật Pháp rồi đó, mà bản thân là Thiền Sư, là hành giả miên mật, là Pháp-sư Tam Tạng, là học giả kinh Phật, mà sơ sảy một chút là chúng ta tiếp tục quẩn quanh trong cái thế giới vật chất. Cứ mỗi lần mà mình thưởng thức, mình hưởng thụ một miếng ngon, ngắm nhìn hay là lắng nghe một Trần Cảnh vừa ý là chúng ta đang kín đáo xây dựng một chốn về Dục Giới, và ở chốn về đó gọi là chúng ta phải ở vào cái hoàn cảnh gọi là "Thập Diện Mai Phục", có nghĩa là sao? Những niềm vui và nỗi đau của mình rất là mong manh, bởi vì nó đặt trên nền tảng vật chất. Thứ hai, trong cái thế giới vật chất chúng ta liên tục, thường xuyên, thường trực, có cơ hội để mà tạo các nghiệp xấu như tôi vừa nói: - Sát sanh, trộm cướp, đâm thọc, chia rẻ... Khiến cho người khác phải là máu đổ lệ rơi, chỉ vì những Ác-nghiệp này nè chỉ có ở cái người hưởng thụ vật chất thôi. Dễ sợ như vậy. Hiếm vô cùng hiếm có những người biết chán sợ cái thế giới vật chất, và hướng đến thế giới tâm linh. Và tôi đã nói không biết là bao nhiêu lần, cái chán sợ trong vật chất nó có ít nhất là hai trường hợp, ít nhất là hai trường hợp, nói gọn, trường hợp thứ nhất, chán sợ là vì thấy ra ba khía cạnh sau đây: - Thấy rằng mỗi cái thích, ghét, trong vật chất đều là ảo giác. Tại vì do sanh vào đó thì phải thích cái đó, ghét cái đó thôi. 1- Thứ nhất là thấy thích ghét là ảo giác. 2- Thứ hai thấy rằng mọi đẹp xấu, ngon dở, đều là ngắn hạn, mong manh, phù du sương khói. (Thứ nhất), cái cảm giác, cái tâm trạng thích nó là ảo giác, đúng rồi. (Thứ hai), là bản thân cái Trần Cảnh đó đó, nó cũng mong manh. 3- Thứ ba thấy rằng chính cái niềm đam mê trong vật chất đó là nguồn đọa, nẻo dẫn về cõi đọa. Thì người mà thấy được ba cái này nè, thì mới được gọi là người Ly Dục đúng nghĩa. Còn trường hợp thứ hai, người mà chán sợ vật chất, trường hợp thứ hai là chỉ vì chán cái cũ mà chưa tìm được cái mới, thế là họ cứ thấy rằng họ chán, họ không thiết tha vật chất chứ không phải. Tôi cũng có gặp, cũng khá khá người như thế này, sau một cuộc hôn nhân mệt mỏi, sau mấy chục năm đi làm mệt mỏi, sau những vật lộn với gia đình đầy mệt mỏi, vợ chồng, con cái, hai họ, phải không? Mệt mỏi. Đến một cái tuổi nào đó đi nghe Pháp lôm côm ba mớ thấy thích quá, ngó lại mình tưởng mình là bậc ly dục, là bởi vì bây giờ đối với mình ba cái gia đình, tài sản, không còn thiết tha. Những cái hưởng thụ, du lịch, mua sắm, làm đẹp mình cũng không còn thiết tha. Rồi mình cứ tưởng mình ly dục. No. Không phải. Không phải. Bây giờ nó già, nó xấu, nó bệnh, nó yếu, cho nên những cái nhu cầu đó mình không có kham nổi. Chứ thử bây giờ cho mình ngược dòng thời gian 40 năm coi mình có thích hay không? Đấy. Rồi chưa kể đó là nó cũng nhàm cũ quá, nó nhàm quý vị, nó nhàm, cho nên mình cứ tưởng là mình đã là bậc ly dục. No. Ly Dục là phải là thấy được ba cái kia: 1- Là thấy rằng, về mặt chủ thể đó, thấy rằng cái thích, cái ghét của mình, cái buồn vui, thích ghét, của mình là do ảo giác. 2- Là về đối tượng, về khách thể, mình thấy rằng những cái mình thích nó đều rất là mong manh, rất là phù du. Cảnh Thiền với cảnh Dục nó khác nhau nhiều lúc quý vị. Cảnh Thiền á. Thí dụ như người ta nhập Thiền, sáng nay 7:15 sáng người ta nhập Thiền, người ta trú vào Sơ Thiền, thì cái an lạc đó nó tinh khôi, tinh truyền như là 40 năm trước mình đắc Thiền, bây giờ cảm giác sáng nay nó y hệt như vậy. Và đến giờ xả Thiền như đã định, thì mình ra, và 40 năm trời đó cứ mỗi lần vô là nó đi chang nhau. Và cái cảm giác Thiền lạc nó không bao giờ mà khác đi, trước và sau giống nhau. Tính chất nó giống nhau. Mặc dù tâm nào, nhớ nha, mọi thứ đều là vô thường. Nhớ nha. Nhưng mà cái cảm giác nó giống nhau, giống nhưng trước sau không phải là một. Nhớ nha. Giống nhau nhưng không phải là một. Nhưng mà cảnh Dục là khác. Ngoài cái chuyện lúc thích, lúc không, mà tại sao có lúc thích, lúc không? Là vì hoàn cảnh, tâm trạng, rồi tình trạng sức khỏe, rồi tình trạng của gia đình, xã hội, công việc, rất là nhiều thứ. Cho nên mình có lúc thích, lúc không. Thứ hai, bản thân Trần Cảnh đó nó rất là mong manh. Mong manh là sao? Quý vị tưởng tượng đi, có cái gì thuộc về vật chất mình thích mà nó còn hoài không? Thí dụ như bây giờ mình thích cái bánh xèo, đổ xong là phải ăn liền, nóng và giòn, bây giờ mà chỉ cần trễ một chút nó nguội, trễ một chút nữa nó iểu, trễ một chút nữa nó thiu mà nó chảy nước, trễ một chút nữa là nó có mùi phải liệng, chó mèo không thèm ăn luôn. Hoa trái cũng vậy. Bông hoa mà đẹp bằng trời đi nữa, nhưng mà một ngày, hai ngày, có nhiều hoa chỉ 1 giờ, 2 giờ thôi, là nó đã xong rồi. Như Phù Dung, 10 giờ đồ đó, hoa Quỳnh đó là chỉ 1, 2 tiếng là nó tiêu rồi. Còn có những thứ mà lâu bền đi nữa thì 1 giờ, 2 giờ, một ngày, hai ngày, một tuần, hai tuần, một tháng, hai tháng, là nó phải tự hủy thôi. (Một) là nó tự hủy, nó vô thường cách là nó biến mất, (hai) là nó vô thường cách là nó biến dạng, biến tướng, dầu biến dạng hay là biến mất thì cái nào cũng là không còn như cũ. Nha. Không còn như cũ nữa. Cho nên là người hưởng dục là họ phải đối diện với "Thập Diện Mai Phục" là vậy đó. Thứ nhất là cái thích của họ lúc thích, lúc không. Mà trong lúc thích nó cũng thay đổi nữa, thích mà cách hào hứng hay là thích cách hờ hững? Đấy. Rồi có lúc chán sợ, chán ghét ngay chính cái mà mình từng đam mê, yêu thích. Đấy. Còn nói về Trần Cảnh thì nó không có như mình nghĩ. Nó không có nằm đó nó chờ mình thưởng thức, hưởng thụ, mà nó liên tục thay đổi, từ người đến vật và phong cảnh, sự kiện. Thí dụ sự kiện như trước đây mình thấy cái chuyện nổi tiếng đó là cái hay, mình thấy quyền lực nó là cái hay, mình thấy cái tiếng tăm quan hệ xã hội nó là hay, tới một lúc nào đó nó chỉ làm cho mình mệt mỏi thôi. Đấy. Đó là sự kiện. Còn về Cảnh thì ở hoài nó cũng chán. Người gặp hoài cũng nản và nảy sinh vấn đề. Đấy. Còn về vật thì khỏi nói rồi. Cái gì lâu bền nhất, cái gì đắc tiền nhất, cái gì đẹp đẽ quý hiếm nhất, cái gì ngon lành nhất, không có thể nào đứng yên để mà chờ mình hết, chuyện đó nó không có. Cho nên chính vì thấy chỗ này người ta mới Ly Dục, người ta mới tu Thiền được. Nhưng mà nó xui một chỗ, chính vì do tác động của tập khí phiền não nhiều đời ở mỗi người, bất thiện nó mạnh hơn thiện, bởi vì phải như vậy mình mới bị hút mạnh, hút sâu vào trong cơn lốc xoáy luân hồi. Chứ nó lơi lơi, nó nhẹ nhẹ thì mình đã giải thoát rồi. Đấy. Nó hút vô. Chính như vậy cho nên bản thân, nghe cái câu này, câu này phải "Xâm" vô người nè: - Chính vì bản thân mỗi người ác nhiều hơn thiện nên bước ra xã hội, bước ra cộng đồng nhân loại, người xấu nhiều hơn người thiện. Bởi vì bản thân mỗi người đó là xấu nhiều hơn thiện. Cho nên bước ra khỏi nhà, bước ra xã hội, bước ra cộng đồng, bước ra thiên hạ, bước ra biển người mênh mông, lúc nào cũng người xấu nhiều hơn người tốt. Thế là bản thân mình đã xấu, và cũng rất khó mà tìm được Minh Sư, thiện hữu để mà họ nhắc nhở cho mình. Và cái bi kịch này từ đâu nó ra? Nó đi ra từ một chuyện rất là đơn giản, hễ ngày nào còn thích hưởng dục, chữ dục nghĩa đây theo trong đạo chứ không phải nghĩa theo ngoài đời nha. Dục vật chất, dục ở đây chỉ cho vật chất, còn thích nghe, thích ngửi? thích ngắm, nghe, ngửi, ngắm, sờ chạm, thưởng thức, hưởng thụ, ăn uống, thì hễ ngày nào mà còn dây dưa với mấy thứ này, có nghĩa là mình còn phải đánh vật với vô vàn phiền phức. Mà ngán nhất, chỉ người còn hưởng thụ vật chất thì người đó mới có cơ hội để mà tạo ra các Nghiệp bất thiện mà thôi. Bất thiện nó có hai: - Thô và tế. Tế đây có nghĩa là, thí dụ như là đam mê trong Thiền Định, đó gọi là phiền não tế. Còn phiền não thô đó là thích cái này, ghét cái kia, rồi lấy cái thích, ghét đó làm nền, để mà sát sanh, trộm cướp, tà dâm, nói dối, say sưa, hại người, chia rẻ, làm cho máu đổ thịt rơi, tan nhà nát cửa, đó là phiền não thô. Mà chỉ có cái anh hưởng dục thì anh mới làm việc với phiền não thô, sống bằng phiền não thô, mà ngay cả ảnh hành thiện ảnh cũng hành thiện thô. Có nghĩa là ảnh cũng thích bố thí, giữ giới, với, nó thô là vì có cái "với" này nè, "với" tâm nguyện là có được những thứ vật chất mà mình thích. Thích được giàu, thích được đẹp, thích được của cải, tài sản. Mà hễ làm công đức mà còn quẩn quanh trong những khái niệm này, nghĩa là chúng ta đã dọn đường một cách kín đáo để quay lại với thế giới của cõi dục. Khó lắm quý vị. Khó lắm luôn. Và tôi nói không biết là bao nhiêu lần, thịt sống, máu tươi đối với mình nó gớm muốn chết luôn, nhưng mà có những loài, thịt sống máu tươi nó hấp dẫn, xác chết động vật, bài tiết đào thải của động vật, ai cũng ớn, nhưng có những loài đó là món ngon. Khổ vậy đó. Mà hễ nếu còn quẩn quanh ở trong thế giới vật chất thì chúng ta tuyệt đối còn có cơ hội để mà quay lại ăn thịt sống, ăn xác động vật và thưởng thức phân động vật, thưởng thức chất thải của động vật. Đấy. Nhớ không? Nó nản cái đó. Cho nên bây giờ mình có sang trọng, mình có uy tín, mình có đẹp, có giàu, có giỏi cách mấy, thì miễn là còn phàm phu, thì chúng ta tuyệt đối đang có trong người mình tất cả những chủng tử trầm luân, trong đó có chủng tử ăn thịt sống, máu tươi, có chủng tử ăn xác chết động vật, còn chủng tử gọi là thưởng thức, hưởng thụ chất thải động vật. Đấy. Mình nè. Tiến Sĩ nói được 15 thứ tiếng, phải không? Chức vụ, quyền lực, tiếng tăm nghiêng trời, mà miễn là phàm, thì mấy cái chủng tử này nó còn nguyên. Còn nguyên chủng tử gọi là khả năng mà ăn thịt sống, liếm máu tươi, hay là tiêu thụ xác động vật, hay là chất thải của động vật, khả năng rất lớn. Bây giờ mình đang ở trong một Villa 8 triệu đô la, nhưng mà miễn là còn phàm phu thì chúng ta tuyệt đối có nguy cơ là lui về một cống rảnh, một hố xí, một đống rác nào đó trong tương lai. Tuyệt đối chuyện đó có thể có. Tuyệt đối. Miễn là còn phàm phu. Cho nên đây là mối quan hệ giữa Thiện Ác và các Cảnh Giới Tái Sinh là chỗ đó. Thì trong cái số mà gọi là đánh vật, vật lộn, loi nhoi, lúc nhúc ở trong thế giới vật chất đó, lâu lâu nó mới lọt ra một người biết chán sợ và đúng nghĩa, như nãy tôi nói, chán sợ là vì thấy được ba khía cạnh: - (Một) là thấy thích ghét, sướng khổ trong vật chất đều là do ảo giác. - (Hai) tất cả Trần Cảnh vật chất đều là phù du mong manh. - (Ba) là thấy rằng hễ còn vật lộn thích ghét, buồn vui ở trong vật chất là còn đối diện với vô vàn nguy cơ "Thập Diện Mai Phục". Thấy được ba cái này nè, thì người đó mới đúng là bậc Ly Dục, mà chưa, còn nữa, lúc đó phải gặp được Minh Sư, thiện hữu, người ta dạy cho tu thiền, và thiền là cái gì? Thiền ở đây tôi đang nói về Thiền Định đó. Định và Tuệ. Mình nói về Thiền Định trước. Tôi nhắc hoài chừng nào các vị vừa nghe chạm tới là bung ra liền. Thiền là cái gì? Thiền Định là cái gì? Trước đây chúng ta chưa biết Phật Pháp, chúng ta chưa gặp Minh Sư, thiện hữu hướng dẫn kèm cặp cho mình, thì cái thế giới này nó có vô số, tôi hay nói đùa là 50.000 tỷ, chứ thật ra nó là vô số, phải không? Nó có vô số. Trong thế giới vật chất nó có vô số thứ để mà mình thích và ghét. Đấy. Và hễ cái gì mà nó làm cho mình thích, ghét, thì nó sẽ khiến cho mình buồn, vui, sướng, khổ, và nó lập tức, đương nhiên, lập tức và đương nhiên trở thành mối quan tâm, bận tâm, thành cái chỗ nặng lòng của mình. Nặng lòng nha. Gạch chữ "nặng lòng". Cái ghét nó làm cho mình nặng lòng. Cái thích cũng làm cho mình nặng lòng. Thứ vật chất làm cho mình vui, hay làm cho mình buồn, hay sướng, hay khổ, đều là thứ làm cho mình nặng lòng. Nhưng mà tới lúc mình tu Thiền, thì cái gọi là vô số thứ vật chất đó đó, mình không còn màng tới nữa? Vô lượng Trần Cảnh trong đời mình chỉ còn gom gọn lại trong mấy cái đề mục thôi. Mình bây giờ không còn nhà cửa, sông hồ, kinh rạch, đại dương, biển cả xanh, cái này đẹp hơn cái kia, màu xanh, màu tím, là kiểu thế thường, thế gian không còn, mà lúc mình chỉ còn gom lại, trong vô số Trần Cảnh gom lại còn có 10 thứ thôi. Tức là: - Đất, nước, lửa, gió, - Xanh, vàng, đỏ, trắng, - Hư không, ánh sáng. Mà các đất, nước, lửa, gió là gì? Là lúc bây giờ mình chỉ niệm hoài một chữ đất. Để chi ta? Để làm rơi rụng tất cả những tơ tưởng về thế giới vật chất, thích và ghét trong thế giới vật chất. Đấy. Lúc đó mình chỉ có niệm một chữ đất, đất, đất, niệm hoài. Tác dụng đầu tiên của chuyện niệm đó là nó làm rơi rụng những tơ tưởng, phiền não mà liên hệ đến vật chất. Thì từ chuyên môn gọi là Triền Cái. Còn tôi tránh, tôi không có nói chữ đó, tôi chỉ nói là những cái dây dưa tục niệm mình liên hệ tới vật chất. Chuyện đầu tiên là khi mình tập trung như vậy đó, mình tập trung như vậy là mình không còn nặng lòng về thế giới vật chất, nó dài, nó ngắn, nó vuông tròn, nó là đẹp, là xấu, là cao, là thấp, là trắng, là đen, là xa, là gần, là trong, là ngoài, là trên, là dưới, không quan trọng nữa. Lúc bây giờ mình chỉ niệm đất, đất, đất, niệm hoài. Chuyện đầu tiên là niệm như vậy để đánh rơi, để giảm bớt và dứt hẳn những tạp niệm, những vọng tưởng không cần thiết. Nhớ nha. Rồi. Không cần thiết đối với vật chất. Lợi thứ hai, tác dụng thứ hai của cách tập trung định tâm. Thứ nhất là giúp cho mình làm rơi, làm rớt, bào mòn và dứt hẳn những vọng niệm, những vọng tưởng về thế giới vật chất. Thứ hai là gì ta? Cái thứ hai đó là, cái này nghe nó hơi kỳ nè, là khi mà ngày xưa đó, mình còn đam mê trong vật chất thì mình lại là bất lực trong vật chất, đứng trước vật chất mình luôn luôn ở cái thế bị động. Nhưng bây giờ khi mà mình dứt khoát mình không có thích, không có nó nữa, thì mình sẽ không có ghét nó nữa, không có đam mê và không mất mãn trong đó nữa thì sao ta? Lúc bây giờ khả năng tập trung tư tưởng của mình trong 10 đề mục này nó sẽ mạnh lắm, đầu tiên của nó đó, khi mà nó mạnh quá, nó sẽ cắt đứt những cái thích và ghét, những cái vọng tưởng, vọng niệm, vọng chấp về thế giới vật chất. Còn cái lợi thứ hai là gì? Nó biến những thứ không phải là đất trở thành đất. Và những thứ đang là đất thì không còn là đất nữa. Lúc bấy giờ mình làm chủ vật chất. Cái này nghe nó mới kỳ, kỳ lắm luôn. Mình không màng tới nó, thì lúc bấy giờ mình lại làm chủ nó. Nhưng mà làm chủ nó không phải để hưởng thụ, mà đó là cái khả năng đương nhiên, khả năng đương nhiên của một người từ bỏ vật chất. Khi mà mình từ bỏ vật chất thì tự nhiên mình có khả năng làm chủ nó, mà khả năng làm chủ không phải để hưởng thụ, mà để càng củng cố, càng xác định được ý hướng chán sợ nó, khi biết nó nhiều càng chán sợ, cái chán sợ nó càng được củng cố nữa, càng được gia cố nữa. Rất là hay. Cho nên thần thông là gì? Thần thông là một trò chơi của người đã đắc Thiền thôi. Thí dụ như đối với mình thì còn có xa, có gần, có trên, dưới, trong, ngoài, cứng, mềm, có đất, có lửa, có nước, đều là những thứ làm rào cản trong sinh hoạt, trong tầm nhìn, trong tầm nghe của mình, trong vùng nhiễu loạn chặn đứng, can thiệp trong vùng thính, thị của mình. Tầm nghe nhìn của mình. Nhưng mà đối với người mà họ chán sợ vật chất, mà chán sợ đúng cách nha. Chán sợ đúng cách trên một nền tảng tâm lý đúng đắn, và tu tập Định Tâm đúng đắn, đúng cách, thì lúc bấy giờ chuyện đầu tiên họ được nhẹ lòng. Tức là tách khỏi 5 Triền Cái không còn nặng lòng với vật chất. Thứ hai nghe mới đặc biệt, là họ làm chủ được vật chất, phải xài cái chữ là họ đùa giởn với nó một cách thoải mái. Tức là đối với họ cái bức tường, khi mà họ tu được 10 đề mục mà nãy tôi nói, tức là: - Đất, nước, lửa, gió, - Xanh, vàng, đỏ, trắng, - Hư không, ánh sáng. Thì lúc bức tường vách núi đối với chàng không còn nữa. Nếu chàng muốn. Nếu chàng muốn thì bức tường nó không còn là bức tường, nguyên một ngọn núi nó không còn là núi, nguyên một hồ nước nó không còn là hồ nước, bởi vì lúc đó chàng làm chủ rồi. Và chỗ đó không có núi thì chàng có thể tạo ra núi. Mà chỗ đó có núi thì chàng có thể làm ngọn núi đó biến mất. Đương nhiên khả năng thôi, chứ chàng không có làm cái đó. Là vì sao? Chuyện đó chuyện tào lao làm để làm cái gì? Xóa sổ một ngọn núi nó dễ ẹc trong cái khả năng của một vị đắc Thiền, dễ ẹc, nhưng mà ba trợn với mức mà phải can thiệp vô thế giới sống của chúng sinh khác làm cái gì? Có muôn loài nó đang sống ở đó, và sự có mặt của một ngọn núi, một khu rừng, nó là một phần không hề nhỏ trong môi trường sống của khu vực đó. Những cái đó là một môi trường sống vô cùng quan trọng của vô số chúng sinh. Các vị đã biết cái đó. Và cái quan trọng nhất là tẩy xóa một ngọn núi để làm cái gì? Và tạo ra thêm một ngọn núi chỉ làm thêm xáo trộn môi trường ở đó thôi. Như vậy tất cả để nguyên là hay nhất. Thế là vị hành giả đắc Thiền khi cần lắm họ xài một tí thôi, nhưng mà họ xài nó không phải là họ đam mê. No. No. Không phải. Là vì công việc, về mặt technical, về mặt kỹ thuật, thì họ xài tí. Thí dụ như để đi qua sông, thay vì phải lội mất thời gian, họ chỉ muốn thôi, họ chỉ muốn là bên qua bên kia đi, là họ có mặt bên kia. Đấy. Họ chỉ xài cái đó. Họ xài cái đó theo mô tả trong kinh, thì Đức Phật Ngài dạy một vị Tỳ Kheo mà đắc Thiền, đắc thần thông không có tha thiết gì với nó, mà nếu vị nào cố ý dùng thần thông để khoe mẻ, để cầu danh trục lợi bằng thần thông của mình, giả định như vậy đó, thì Ngài đó giống như là một người thiếu nữ mà vén váy của mình lên cho người ta xem, để lấy 1, 2 xu tiền lẻ, giống như vậy. Trong Tạng Luật Đức Phật có câu đó, các vị vào xem trong phần Tạng Luật........(56:36)- [bổ sung sau] - phần mà cái chỗ Ngài Tân Đầu La........ (56:40) - [bổ sung sau] - hiện thần thông, lúc Ngài còn phàm, thì Đức Phật đã quở như vậy đó. Nhớ nha. Cho nên điều thú vị ở trong đạo Phật là gì? Là xác định được cho biết rằng niềm đam mê trong vật chất là cái thứ rất là trẻ con mà thậm chí nó rất là tâm thần. Rất là trẻ con và rất là tâm thần. Phải bỏ nó đi. Nhưng người mà đã bỏ nó rồi đó, dù họ thành tựu được rất là nhiều thứ khác hay ho hơn nhiều, nhưng mà cũng không nên vướng kẹt ở trong đó. Bởi vì nó tiếp tục lại là trò chơi của phàm phu nằm ở một tầm cao mới. Chỉ vậy thôi. Nhưng mà tại sao Thiền Định nó là quan trọng? Bởi vì chuyện đầu tiên mình phải tu tập bố thí, trì giới để mà lìa bỏ cảnh giới sa đọa. Mà bước hai là phải tu tập Thiền định để lìa bỏ cảnh giới vật chất. Bước ba là phải tu tập Tuệ Quán Tứ Niệm Xứ để mà chấm dứt toàn bộ mọi hình thức hiện hữu, dầu là về hưởng thụ vật chất hay là hưởng thụ tinh thần đều phải bỏ. Vì cả hai cái đó đều là con đường quay lui trong vòng xoáy của sinh tử. Chỉ có điều anh này ảnh sang hơn anh kia thôi. Sang có nghĩa là anh này anh cao hơn anh kia, anh này có được nhờ anh chán anh kia, cho nên ảnh sang hơn. Chứ nếu mà nói rốt ráo đó, hễ mà anh nào còn là con đường đưa mình quay vào, quay lui, trở xuống, đi vào, quay lui và trở xuống lộ trình sinh tử thì anh đó xài không được. Anh đó xài không được. Nó giống như một con đường mà trong cái nhà giam, dầu nó có đẹp cách mấy đi nữa thì nó cũng là con đường trong nhà giam. Chúng ta biết Trung Quốc hơn 1 tỷ rưỡi dân và vô số nhà tù, mà rùng rợn nhất là nhà tù Tân Cương dành cho mấy người mà Uyên Ngô Nhĩ mà bất đồng chính kiến với Chính Phủ, họ bị sống trong một điều kiện tệ hơn súc vật, tệ hơn thú nuôi, bởi vì thú nuôi chủ họ còn sợ bị bệnh, sợ bị đói, sợ bị lạnh, họ còn phải vỗ béo. Nhưng mà riêng về những người tù ở Tân Cương là họ chỉ luôn luôn họ sống ở trong một cái mức độ, ở một cái tình trạng, ở trong một cái điều kiện là chỉ vừa đủ để không chết thôi. Không chết thôi. Còn ngoài ra, nghĩa là họ giữ cho mình không chết thôi, chứ còn tệ hơn con thú nuôi trong nhà, dù là thú cưng hay là thú nuôi lấy thịt, lấy sữa, lấy da, thì người ta vẫn còn dành cho một chút là trân quý, phải không? Nhưng mà riêng những người tù đó, mà tại sao tôi lạc đề? Tôi đang nói qua chuyện khác đó là gì? Trung Quốc bên cạnh vô số những nhà tù tệ hơn chuồng trại, thì nó có nhà tù rất là đặc biệt, đó là nhà tù Tần Thành gần Bắc Kinh, chỗ này chuyên môn là để giam nhốt những nhân vật cộm cán quyền lực trong guồng máy của chế độ Chính Phủ, phải không? Như Bạc Hy Lai đó, Bí-thư Tỉnh-ủy rồi đó, cở đó vậy đó. Thì trong đó là điều kiện, trong đó tù mà điều kiện cao cấp, người ta cho mình biết luôn suất ăn trong đó có súp, rồi có trái cây, rồi có bánh ngọt tráng miệng, rồi có tivi, có báo mới để đọc mỗi ngày, rồi có y tá, bác sĩ chăm sóc sức khỏe định kỳ. Nhưng mà cái này nói thiệt luôn. Quý vị có thể không tin, chứ tôi, bản thân chúng tôi đang nói chuyện, bây giờ hỏi chúng tôi có muốn vô Tần Thành ở ngày không? Tôi nói No. Thí dụ có dịp đi ngang mà vô tham quan thì tôi đi, chứ còn nếu mà cho tôi cái phòng bắt tôi ở 24 tiếng đồng hồ mà y chang như một người đang bị quản chế trong đó, tôi không. Trong đó đẹp lắm luôn. Những lối đi mà trải sỏi, những lối đi trồng hoa lát đá, những con đường cỗ thụ thơm ngát và mát lạnh, hương hoa tỏa mùi lộng lẫy, phải không? Dành cho mấy sếp bị giam nhốt ở trong đó. Nhưng mà làm gì thì làm, Tần Thành có đẹp bằng trời thì Tần Thành vẫn là cái nhà tù. Nha. Tần Thành vẫn là cái nhà tù. Thì một người mà tu học thì biết được cái chuyện đó, biết được rằng hễ mà còn quẩn quanh trong một cái thích nào đó, thì nó có ba cái bậy sau đây, hễ còn quẩn quanh trong một cái thích nào đó thì có ba cái bậy sau đây: 1- Thứ nhất, cái thích dầu nó sang cách mấy, nó thấp kém cách mấy, thì nó vẫn là con đường để mà tiếp tục sanh tử. Đó là cái bậy thứ nhất. 2- Thứ hai, hễ còn có cái thích là còn có cái ghét, mà có mấy ai luôn luôn có được cái mình thích và tránh được cái mình ghét? Có mấy ai? Cho dù mình là tỷ phú đại đại gia tầm vóc hành tinh, thì thử hỏi có bao nhiêu phần trăm cái mình thích mà mình có được? Có bao nhiêu? Có bao nhiêu phần trăm cái mình thích mà mình có được? Và có bao nhiêu phần trăm cái mình ghét mà mình né được? Nó được bao nhiêu? Cho nên chuyện đầu tiên là hễ còn thích là còn có cơ hội quay lại. - Thứ hai, hễ có cơ hội quay lại là còn có cơ hội bị khổ. 3- Thứ ba, hễ còn có cơ hội quay lại thì còn có cơ hội để làm các nghiệp xấu. Mà đã nghiệp xấu rồi đó là phải đi xuống. Mà đã xuống rồi đó thì cơ hội đi lên là ngàn trùng viễn xứ. Là thiên nan vạn nan. Đấy. Nhớ cái đó. Cứ mỗi lần trong bất cứ một cái thích nào nó đều có dẫn đến ba cái đó. Cái thứ nhất nó là con đường sinh tử, chắc chắn luôn, coi như cứ mỗi một cái thích như vậy nó là một cái Visa nhập cảnh. Thậm chí nó là thẻ xanh, nó là quốc tịch, nó là............ (1:03:06) - [bổ sung sau] Thứ hai, hễ còn có cái thích là còn có cái ghét. Mà cái ghét tránh không được thì nó có cái tên gọi là khổ. Đấy. Mà có mấy ai trên đời này né được cái mình ghét không? Không có. Không phải dễ. Mà có mấy ai trên đời này có được cái mình thích? Hiếm lắm luôn. Thứ ba, hễ còn có thích ghét, thì còn có cơ hội để tạo các ác nghiệp. Hiếm lắm, hiếm có ai mà trên nền tảng tâm thức của thích và ghét mà tạo thiện nghiệp hiếm lắm. Hiểm lắm luôn. Hiếm lắm luôn. Đa phần hễ còn thích ghét là toàn tạo nghiệp trời ơi không. Cho nên là dầu có chán vật chất mà tu tập Thiền Định, thì hãy nhớ rằng tu tập Thiền Định nó chỉ là một giai đoạn, một công đoạn thôi, nó là một trạm dừng cần phải được vượt qua. Có những chúng sinh mà do cái kiểu tu tập của họ trong nhiều đời đó, cho nên là khi mà chứng đạo họ phải đi qua ba giai đoạn: - Giới, Định, Tuệ. Tức là phải quản lý và kiểm soát được Thân-nghiệp và Khẩu-nghiệp một thời gian thông qua cái gì ta? Y bát, tăng tướng, tự viện, tăng đoàn, thầy bạn Sa Môn, trải qua thời gian dài như vậy, thì họ mới tu tập bước hai đó là Thiền Định chứng đắc Sơ, Nhị, Tam, Tứ Thiền. Rồi trên cái nền tảng này nè, thì người ta mới buông hết. Ừ. Buông hết. Thấy cái gì thuộc về thân tâm, danh sắc, buồn vui, sướng khổ, thích ghét, thảy đều là do duyên mà có. Có rồi phải mất đi. Tất cả thiện đều là khổ. Chỉ có Bát Chánh Đạo vừa là khổ mà vừa là đường thoát khổ. Tất cả ác đều là khổ. Riêng Tham Ái nó vừa là khổ mà nó vừa là con đường thoát khổ. Phải không? Đó, thì thấy rốt ráo như vậy đó, bằng một cái thứ Thánh Trí không vay mượn từ Thầy bạn và sách vỡ, kinh điển, chữ nghĩa. Đấy. Thấy như vậy đó thì mới hoàn tất giai đoạn là Tuệ-học. Có người họ phải đi từng bước như vậy. Nhưng có người thì không. Có người họ dồn ba cái thành một. Có người thì họ tu tập theo hướng chiều dọc, có người phát triển theo hướng chiều ngang, đồng bộ cùng một lúc, có cả Giới, Định, tuệ trong cùng một lúc, như Ngài Xá Lợi Phất, Ngài Mục Kiền Liên, là một lúc một, người ta chỉ nghe xong là người ta đắc Tu Đà Hườn liền. Rồi cứ tuần lễ, nửa tháng sau cái là người ta chỉ nghe một thời giảng, và người ta chỉ ngồi xếp bằng có ba nốt nhạc là người ta đắc A La Hán luôn. Thời đoạn mà "Giới Năng Sinh Định, Định Năng Sinh Tuệ", mấy vị này nó nhạt nhòa lắm, công thức đó nó nhạt nhòa lắm. Bởi vì người ta trộn chung thành một. Cũng giống như có những người mà muốn hoàn tất sự nghiệp, họ chỉ cần tập chú trong thời gian ngắn họ có tất cả. Nhưng có những người tôi biết, là muốn có được sự nghiệp, thì họ phải đi qua nhiều bước, thí dụ như là phải học cho xong đại học mà không có tiền, phải giật gấu vá va, mượn đầu này, mượn đầu kia, mới có tiền đi học lấy bằng đại học, mà trong khi đó sức khỏe, trời ơi nó ì ạch bệnh tùm lum hết, sỏi thận rồi men gan, cao máu tùm lum. (Một) ra trường đi kiếm được chỗ làm trầy trật vậy đó. Rồi xong rồi còn vừa đi làm, vừa chữa bệnh, mà vừa nuôi gia đình, đến lúc nào tự nhiên gặp thầy hay, thuốc hay, thầy giỏi cái tự nhiên cái hết bệnh, mập mạp phốp pháp rồi công ty hãng xưởng phát triển rồi trở thành ông chủ lớn có bằng đại học, phải không? Rồi có tài sản, rồi đương nhiên lúc đó là một cuộc hôn nhân hoàn mỹ, đúng không? Đấy. Rồi đẻ ra 5, 3 đứa con, đứa nào cũng tiên đồng ngọc nữ. Mà để đi đến giai đoạn này họ phải đi từng bước, phải sức khỏe nè, học phí nè, rồi phải gia đình nè, rồi phải chấp nhận sự khinh rẻ của xã hội, sự xa lánh của bạn bè, trời ơi, họ thấy nghèo ai cũng sợ hết trơn, thấy ai nghèo là ai cũng sợ hết. Thiệt. Quý vị chưa có va chạm quý vị không biết đâu. Mình mà nghèo, mình khó khăn đó, người ta sợ mình như sợ hủi vậy đó. Có. Cái đó có. Người thân đó nha. Người thân luôn. Chấp luôn. Người thân luôn, chấp luôn, người thân máu mủ mà gặp nghèo là họ là chạy mất dép. Đấy. Cho nên thời mà cơ cực khổ lắm luôn. Rồi họ phải đi từng bước, từng bước, từng bước bệnh nè, nghèo nè, rồi xã hội nè, rồi học lực nè, học vấn đủ thứ. Đấy. Đi từng bước cuối cùng nó mới ra sự nghiệp. Còn có người thì đơn giản lắm, đẻ ra là đã đẻ bọc điều rồi, đẻ ra đã ngậm thìa bạc rồi, cho nên cứ là cắm đầu học vừa xong 4 năm đại học, chứ chưa có lấy Tiến sĩ nha. Mới có lấy cái BIMA là họ đã đương nhiên, là đương nhiên, mặc nhiên là có một cái ghế là Chủ Tịch Hội Đồng Quản Trị đang chờ họ rồi. Đấy. Có. Có người như vậy, còn sức khỏe là khỏi lo, bởi từ nhỏ là họ đã được chăm kỹ như là thú cưng, tới lúc 15, 18, bắt đầu là biết Gym rồi, biết Fitness rồi. Đấy. Tới lúc mà ra trường một cái là 6 múi nó lộng lẫy, bóng loáng như tượng đồng. Còn học thức, tiền bạc, quan hệ xã hội là có sẵn luôn, cho nên họ làm cái rẹt. Thì chuyện tu hành y chang như vậy đó quý vị. Có những người do kiểu tu, tánh nha, nó do nhiều lắm, do tiền nghiệp, khuynh hướng tâm lý và môi trường sống. Mà trong môi trường sống đó là cái gì? Ở đâu? Và thường gặp ai? Đấy. Môi trường sống đó anh thường anh ở đâu và anh thường gặp ai? Thì chính cái này nó mới là cái nền cho cái chuyện anh hành thiện và lãnh ác. Đấy. Anh tu tập Ba La Mật để mai này khi anh đắc, anh đắc kiểu gì? Anh đi cái kiểu cà rị, cà mọ, cà rị, cà mọ, hay là anh đi như là tốc độ ánh sáng? Có người đi như hỏa tiễn. Có người đi giống như xe lam vậy đó. Xe lam mà đã vậy hư máy hết xăng mới ghê. Có. Có người đi tu hành giống như xe lam mà hư máy hết xăng vậy đó. Sửa được cái máy, hết xăng. Mua được xăng, hư cái máy. Có. Cũng ì ạch rồi đẩy nó trào máu, rồi cuối cùng cũng tới. Có người họ tu mà đi như hỏa tiễn, không xài xăng chỉ xài helium, mà ở đâu nó ra cái đó? Ở đâu nó ra cái helium đó? Là do cái kiểu tu. Cái kiểu. Yeah. Nó lạ lắm. Có người khi gặp Phật Pháp rồi là chỉ muốn ngồi thiền thôi. Có người gặp Phật Pháp là chỉ muốn bố thí, chỉ muốn giữ giới. Có người gặp Phật Pháp là chỉ muốn phục vụ thôi. Còn có người còn lạ nữa, mang tiếng thờ Phật, mà thấy em nào mà làm việc đạo mà được bắt đầu nó ghét, nó chống, nó lạ vậy đó mới ghê chứ. Mình tu thì được, mà người khác tu là sai. Nó ghê giống như mình yêu nước thì đứa nào không yêu nước, mà anh yêu nước đường lối giống tôi đó thì được, mà anh yêu nước đường lối khác tôi là anh sai, anh là phản quốc, thí dụ như vậy, đó là không được. Đạo cũng vậy. Cứ ai mà, thứ nhất là anh phải thua tôi là anh mới đúng, chứ anh hơn tôi là tôi thấy anh sai rồi. Xác định luôn nha. Xin xác định anh tu cỡ nào, anh học cỡ nào không cần biết, mà anh hơn tôi là anh đã sai rồi, anh bằng tôi là đã không đúng rồi, nha, anh phải thua tôi. Và anh thành công hơn tôi là anh càng sai dữ dội nữa. Sai dữ luôn nha. Anh không được hơn tôi, anh không được bằng tôi, anh phải sau lưng tôi thì anh đúng. Đấy. Còn mà anh bằng tôi, anh hơn tôi là coi như tôi chống anh. Nó lạ vậy. Mà bản thân mình có tu. Có tu nha. Có tu, có học đạo, cũng có bố thí, cũng có giữ giới, cũng có ngồi thiền, nhưng mà nó tu kiểu đó. Đấy. Tu mà cứ dòm lườm lườm lườm lườm coi đứa nào nó bằng mình, đứa nào hơn mình, đứa nào có nguy cơ nó vượt mặt mình. Đấy. Cứ như vậy thì cái kiểu đó tới hồi mà duyên nó đủ đắc đạo nó trầy trật, trầy trật bị gọi là Thập Diện Mai Phục, chướng duyên, nghịch cảnh, vây bủa trùng trùng, rồi lúc đó thiên hạ thấy mình hiền mà mình bị nạn họ thương. Nhưng mà họ đâu có ngờ kiếp xưa mình trời ơi đất hỡi, chằn ăn trăn quấn, họ đâu có biết. Thí dụ như mình thấy Ngài Mục Kiền Liên mà bị chết thảm mình đâu có biết, là Ngài từng kiếp quá khứ là Ngài từng là một người con vì nghe lời vợ mà đem hai bậc sinh thành, hai đấng sinh thành vào trong rừng đập cho tơi tả, chỉ vì cô vợ trẻ cổ cứ rỉ tai. Rồi trong kinh nói trái đất mình tới 5 vị Phật, thì vị cuối cùng là Phật Di Lặc, vị đầu tiên là Phật Cù Lưu Tôn, tiếng Pāḷi là.......... (1:12:37) - [bổ sung sau] - thời đó Ngài Mục Kiền Liên là một ác ma Thiên Tử, giống như Đức Phật Thích Ca Mâu Ni mà cứ ác ma xuống phá hoài vậy đó. Thì thời Đức Phật Cù Lưu Tôn ............ (1:12:46) - [bổ sung sau] - thì Ngài Mục Kiền Liên lúc đó là làm ác ma Thiên Tử, coi như phá toàn tập, coi như là không ăn không ngủ gì hết chỉ có phá thôi, phá quấy rối từ Đức Phật mà cho tới các vị đệ tử lớn nhất, rồi xuống tới nhỏ nhất, coi như cứ nghe thấy thánh nhân là phải quậy, quậy cho banh lồng chợ mới chịu. Ngài Mục Kiền Liên á, mà đã tu gọi là 1 A Tăng Kỳ, 100 ngàn đại kiếp, nghĩ sao? Nghĩ sao mà tới kiếp cuối cùng, trái đất cuối cùng, thấy Phật là phải ghét, thấy Tăng là phải ghét, thấy đạo là phải chống, phải phá. Đấy. Tôi quay lại, những cái đó là ở đâu nó ra? Ở đâu nó ra? Là do hưởng Dục. Người còn đam mê trong hưởng Dục mới còn thích thơm, thích đẹp, rồi cái gì nữa? Đó là thô. Còn tế là cái gì? Hễ còn hưởng Dục thì còn thích khen, thích sợ chê, thích quyền lực, thích quan hệ xã hội, quan hệ cộng đồng, quan hệ thiên hạ, mấy cái này mình nghe làm như nó hơi trừu tượng, đúng không? Nhưng mà không. Nó là cánh tay nối dài của Dục Ái. Chuyện mà ham danh, ham quyền, thích nổi tiếng, thích được khen, nó là cánh tay nối dài của anh Dục Ái. Bởi vì cái vị, trong Chú-giải nói rất rõ là cái khen chê, sướng khổ, ở trong cõi Dục nó mới có đủ, chứ trên các cõi Phạm Thiên người ta Ly Dục thì Bát Khổ nó không có giống dưới đây. Ở trên đó không có cái được mất, khen chê, sướng khổ, trên đó không có. Cái khổ ở trên đó họ không có Ưu làm gì họ có Khổ dưới đây. Nha. Trên Phạm Thiên họ không có Ưu, họ càng không có khổ thân, họ càng không có khổ tâm, ở trên cõi Phạm Thiên. Còn dưới đây là nó có được nè, mất, khen, chê, sướng, khổ, được lợi, mất lợi, được danh, mất danh, là mấy cái anh ấy cõi Dục này. Cho nên hễ mà mình còn đam mê trong Dục, thì mình phải hiểu rằng, chúng ta tuyệt đối và tuyệt đối có cơ hội để mà đau khổ trùng trùng, tất cả những chuyện mà máu đổ lệ rơi, chinh chiến cang qua, thiên tai nhân họa, hoàn toàn là do Nghiệp Dục Giới. Có nghĩa là do thích và ghét trong vật chất, từ đó nó mới tạo ra các nghiệp để mà bị những cảnh tôi vừa nói, tên bay đạn lạc, sinh ly tử biệt, tan nhà nát cửa, binh đao khói lửa, thiên tai nhân họa, hoàn toàn là do hưởng Dục mà ra. Chứ người mà tu Thiền họ không có tạo mấy cái nghiệp đó. Thứ hai là anh mà Dục ảnh ớn cái chỗ này nè, người ta đắc Thiền đó, người mà nhiều kiếp tu Thiền người ta rất là mau hồi đầu, tỉnh táo thấy mình sai, để mà người ta chỉnh sửa, chỉnh lý. Đấy. Còn anh mà mà hưởng Dục càng hưởng là ảnh càng chìm sâu. Mà đã chìm rồi đó, cơ hội mà hồi đầu cực khó. Khó lắm luôn. Thí dụ chuyện nhẹ thôi. Tôi nói cái này là mấy bà, mấy cô nổi điên lên nè, không có nói đến chuyện đọa nha. Khoan nói chuyện đọa ghê lắm. Trùn, dế, sâu, dòi, ong bướm là quá ghê. Chỉ nói mang thân nữ, khi mà bị nghiệp mà mang thân nữ rồi đó, cơ hội mà làm nam rất khó. Mà nó vấn đề rất là khoa học chứ không có gì mờ ám. Không có. Rất khó là sao? Mang thân nữ vì hình hài sinh học của người nữ nó buộc họ phải đánh vật với những cảm xúc, với tâm trạng rất là nữ. Rất là nữ. Thí dụ thích làm đẹp, thích sợ xấu, rồi mang hình hài của người nữ là thích làm Mẹ, thích làm vợ, và khi thích làm Mẹ đó là phải làm vợ, làm người tình, mà muốn làm Mẹ, làm người tình thì phải, muốn làm vợ phải sao? Phải có nhan sắc. Mà nhan sắc các vị biết mà, người có nhan sắc ít hơn người không có nhan sắc. Tuổi tác đối với người nữ nó tàn nhẫn. Thế là từ cái chỗ mà gia tài của mình chỉ có nhan sắc thôi, cuộc đời đa phần nằm trên nhan sắc. Thế là sao ta? Ăn là cái tập trung hình thức. Đấy. Rồi thứ hai, chính vì những thứ mình có đó, nó có một nền tảng quá mong manh, cho nên nó rất là dễ mất. Mà chính vì quá dễ mất, cho nên mình, cái khả năng ghen tuôn của mình cực lớn. Đấy. Tức là bên cạnh chuyện mà ăn rồi phải vật lộn phấn son, mỹ phẩm, áo quần, chưng diện, chúng ta phải thường xuyên sống cái tâm ganh tỵ, âu lo. Đấy. Mà trong Chú-giải nói rất rõ, anh Ganh tỵ, Ghen tuông ảnh nằm ở đâu thì anh Bủn xỉn nằm kế bên. Bởi vì Bủn xỉn với Ganh tị nó là một cặp trời sinh. - Hôn trầm - Thụy miên là một cặp. - Ganh tị - Bủn xỉn là một cặp . - Dục ái - Sân hận đó là một cặp. - Buồn - Vui là một cặp. - Sướng - Khổ là một cặp. - Tàm - Úy là một cặp. - Thân kiến - Hoài nghi nó là một cặp. Đấy. Nhớ nha. Cho nên bây giờ không nói đọa, chỉ nói cõi người, mình mang thân người mà mang thân nữ là mình thấy thoát không nổi. Bởi vì mang hình hài nữ là hiếm lắm luôn. Hiếm người nào mà ý thức được là vùng thoát ra khỏi thân phận nữ. Khi có thân phận nữ rồi là mình sống hết mình, sống tận tuyệt với cái hình hài đó, với cái thân phận đó. Đấy. Còn cái kiểu mà làm cọp beo là chỉ có biết là máu tươi và thịt sống. Còn làm loài động vật mà như coi như là ếch nhái, chuột bọ, côn trùng, là thôi. Ngàn thu vĩnh quyết, khó lên vô cùng. Nhớ cái đó. Cái đó rất là quan trọng. Dễ sợ lắm, nhớ lại khiếp lắm. Và chúng ta nhớ chính cái thích ghét của mình đó, nó mới dẫn đến cái hướng hành động. Và chính cái hướng hành động đó, nó mới gọi là, nó mới đưa mình về một không gian vật lý và không gian tâm lý tương ứng. Không gian vật lý là gì? Là mình ở trong cái nhà đó, trong cái xứ sở đó, trong cái đất nước đó, trong cái gia đình đó, trong cái xóm làng đó, trong cái điều kiện thời tiết, thổ nhưỡng, khí hậu đó, đó gọi là không gian vật lý. Còn không gian tâm lý là sao? Là anh ở trong thân phận hình này đó, cái tâm tư, cái cảm xúc của anh nó phải tương ứng với cái môi trường sống, nó tương ứng với cái tiền nghiệp nào mà đã đưa anh về đó. Nhớ cái đó. Cái đó quan trọng lắm luôn vậy đó. Lắm luôn. Có nghĩa là bây giờ mỗi giờ mình hãy kiểm soát mình thích, mình ghét cái gì? Chính cái thích ghét đó đó, nó đưa mình về một cảnh giới, mà ở cảnh giới đó đó, chúng ta lại tiếp tục được đẩy về phía trước, đẩy về phía trước, đẩy về lâu lắm mới có một người biết đứng chững lại để mà quan sát, và chọn một hướng đẹp, hướng đúng, giữa ngã ba đời, ngã ba lòng. Ngã ba đời nó đi ra từ ngã ba lòng. Mà chính ngã ba lòng nó tạo ra ngã ba đời. Mà có mấy ai trong chúng ta biết hiểu được chuyện đó? "Ma đưa lối quỷ đưa đường. Cứ tìm những chốn đoạn trường mà đi". Trước ngã ba lòng và ngã ba đời đó khó lắm. Khó lắm. Con nít nó có thói quen kỳ, nó có tất, đưa nó một đôi tất là nó phải mang trật. Người lớn mình cũng vậy. Cứ đưa chùm chìa khóa, một chùm hơi nhiều, chỉ cần đưa 3 chìa thôi, lúc nào cũng là đút trật. Lạ lắm. Khuynh hướng mình thì vậy đó. Cứ đưa 3 chìa đó, chỉ trừ ra mình có đánh dấu thì thôi, chứ mà nếu không đánh dấu là cái khuynh hướng mà tính theo toán học, xác suất trật rất cao. Cái possibility rất cao. Cao lắm luôn. Thì con nít cũng vậy. Nít nó mang tất lúc nào nó cũng mang trật. Mấy cái này nó mang tính rất là vật lý. Nhưng mà qua tới về mặt tâm lý. Trong vòng luân hồi chúng ta luôn có khuynh hướng chọn cái ngỏ chết để mà đi. Vì sao? Là vì đó là Vô Minh nó đẩy đi mà, chúng ta cứ đi theo bị tác động bởi cái thích và ghét. Thay vì nhìn vấn đề từ khía cạnh Bản Thể, chúng ta khoái đánh giá vấn đề từ khía cạnh Hiện Tượng. Rồi thay vì nhìn mọi thứ như nó là, thì chúng ta lại có khuynh hướng nhìn mọi thứ như mình muốn. Ok. chúc các vị một ngày vui và hẹn lại lần sau nhé. 🙏 Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật. Chúng con xin Cúng dường Đức Thế Tôn, Pháp Bảo và Tăng Bảo bằng sự hành đạo. Con nguyện sự chia sẻ Giáo Pháp nầy là nhân duyên giúp cho hàng Phật-tử chúng con và gia quyến thoát khỏi sự Khổ Thân, thoát khỏi sự Khổ Tâm, đoạn tận Phiền Não, tránh mọi sự cám dỗ hướng Tâm Đến Giác Ngộ, Giải Thoát Niết Bàn. 🙏🙏🙏 |
Youtube video Xem thêm: |